Dịch vụ tang lễ - Ngành công nghiệp trị giá 16 tỷ USD
Dịch vụ tang lễ, nơi cung cấp công ăn việc làm cho 120.000 lao động và 19.000 nhà tang lễ, là ngành công nghiệp miễn nhiễm với lạm phát và gần như không có rủi ro.
Chiếc máy giúp quá trình đến bên kia thế giới nhanh hơn là một trong những sản phẩm thu hút sự chú ý nhiều nhất tại Triển lãm tang lễ vừa diễn ra tại Amsterdam, Hà Lan. Người tham gia triển lãm có thể nằm thử, thậm chí dùng công nghệ thực tế ảo để trải nghiệm.
Khảo sát năm 2017 cho thấy khoảng 2,7 triệu ca tử vong đã giúp ngành tang lễ toàn cầu đạt giá trị 16 tỷ USD. Ngành này được đánh giá là vẫn còn nhiều tiềm năng vì dân số thế giới có xu hướng hướng gia tăng trong vài thập niên tới kèm theo lượng người tử vong đi lên khiến tỷ lệ qua đời bình quân đầu người tăng.
Ảnh minh họa
Nhận thức được tiềm năng của ngành này, hàng loạt những nhà đầu tư, khởi nghiệp, quản lý quỹ đã đổ tiền vào đây. Năm 2017, quỹ 3iGroup đã mua mảng dịch vụ tang lễ lớn nhất Tây Ban Nha với giá 117 triệu Bảng Anh.
Khoa học kỹ thuật và kinh tế phát triển, nhu cầu được mai táng cũng ngày càng đa dạng hơn. Tại Mỹ, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tang lễ còn kiêm luôn các loại hình phục vụ đặc biệt như bắn tro cốt của người đã mất lên trời hay tổ chức lễ chôn cất theo phong cách "lạ".
Chi phí trung bình cho một đám tang là 7.200 USD, tăng mạnh so với cách đây 10 năm. Việc bán quan tài và hộp đựng tro cốt đang chiếm gần 1/3 doanh thu của các công ty trong ngành.
Tuy nhiên, số liệu của Hiệp hội tang lễ quốc gia Mỹ cho thấy người Mỹ ngày càng chi ít tiền cho việc mua quan tài hay hộp đựng tro cốt xa xỉ. Thay vào đó, họ hướng tới những loại hình mai táng thân thiện với môi trường hơn. Đó là lý do dịch vụ hỏa táng và đưa tro cốt vào san hô nhân tạo ra đời. Bởi sau khi hoàn thành, san hô sẽ được đưa xuống lòng biển, tạo điều kiện cho các hệ sinh thái phát triển.