Lào Cai chú trọng thay đổi tập quán lạc hậu
Tỉnh Lào Cai đã xác định việc cải tạo tập quán lạc hậu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang. Nhiều đảng bộ đã lựa chọn những vấn đề mang tính cấp thiết tại địa phương để tập trung chỉ đạo, như Chỉ thị về “Bài trừ tập tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang” của Đảng bộ huyện Bắc Hà; “Quy tắc ứng xử trong cán bộ hội phụ nữ các cấp” của Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai..., góp phần tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Cấp ủy đảng, chính quyền MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở đã làm tốt công tác vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hoàn thiện hệ thống hương ước làng xã cùng các thiết chế văn hóa cơ sở; phát hiện nhân tố, điển hình tiên tiến thực hiện nếp sống văn minh để động viên, khen thưởng và nhân rộng được chú trọng. Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của nhân dân, từng bước xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Theo số liệu thống kê của ngành VH - TT và DL, từ tháng 9/2009 đến tháng 6/2012, toàn tỉnh có 9.684 đám cưới được tổ chức, trong đó, số có đăng ký kết hôn là 9.066 trường hợp (chiếm 93,6%), số không đăng ký kết hôn là 610 trường hợp (chiếm 6,2%), 279 trường hợp tảo hôn (chiếm 2,8%), 13 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (chiếm 0,13%). Các hủ tục trong việc cưới của đồng bào dân tộc thiểu số, như thách cưới bằng bạc trắng, rượu, thịt, gạo... giảm đáng kể. Nghi lễ trong đám cưới đã bớt các thủ tục rườm rà, giảm ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm mạnh.
Đối với việc tang, cơ bản không còn tình trạng mời thầy mo, thầy cúng về cúng tế, “yểm bùa, trừ tà, bắt ma” hoặc làm các nghi lễ có tính chất mê tín, gây lãng phí tiền, thời gian và hoang mang trong nhân dân. Ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số, trên 70% số đám tang không còn tổ chức linh đình, không để người chết trong nhà lâu ngày. Một số dân tộc: Mông, Hà Nhì, Dao ở huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn trước đây còn hủ tục không cho người chết vào áo quan, đến nay đã có 96% đám tang thực hiện đúng quy định (cho người chết vào áo quan, không để ở nhà quá 48 giờ, không mổ trâu, không bắn súng kíp báo hiệu...). Các dân tộc Nùng, Tày, Giáy ở Mường Khương, Bảo Yên đã cải tiến một bước trong tổ chức tang lễ, người chết bệnh thường được đưa đi chôn trước, rồi mới làm lễ tang sau để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với người Hà Nhì, nếu như trước đây, đám tang thường kéo dài từ 8 - 10 ngày, thậm chí nhiều hơn tùy vào việc chọn ngày tổ chức mai táng của mỗi dòng họ, đến nay việc để người chết trong nhà đã giảm còn 2 - 3 ngày. Ở khu vực thành phố, thị trấn, hầu hết các xã, phường, thị trấn, khu dân cư đều thực hiện tốt quy định của tỉnh, huyện, quy ước khu dân cư về thực hiện tang lễ. Việc tổ chức tang lễ bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, chôn cất người chết tập trung nơi quy định.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, góp phần thay đổi nhận thức, cũng như tiếp thu, cải tạo phong tục tập quán theo hướng tiến bộ.