Đối với người Việt, đạo làm con phải biết phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và thờ phụng tổ tiên đã khuất. “Thờ ông bà” là một tín ngưỡng có ý nghĩa của dân tộc. Mang tính chất đạo đức luân lý nhân sinh. Trong đó, việc làm lễ cúng trong tang cho người đã khuất là hành động tưởng nhớ, kỷ niệm người đã qua đời một cách thắm thiết.
Cúng bảy ngày
Đây là lễ cúng trong tang đầu tiên kể từ ngày chết, sau khi đem an táng, người ta làm “tuần thất”. Nghĩa là làm lễ cầu siêu cho vong hồn người chết, nếu theo Phật giáo. Cứ bảy ngày lại có một lần cầu siêu và cúng cơm. Tăng ni được mời tới nhà tụng kinh, hoặc cũng có thể xin làm lễ tụng kinh ngay tại chùa. Đây được xem là một lễ trong thời kỳ tang.
Buổi tụng kinh sau bảy ngày đầu tiên gọi là Sơ thất, tuần thứ hai tiếp theo gọi là Nhị thất rồi Tam thất… tới lần thứ bảy gọi là Thất thất được coi là lần cuối cùng cho nên cũng được gọi là Chung thất hoặc Tứ cửu.
Khi tụng kinh tại chùa, thì trong các ngày tuần từ Sơ thất tới Chung thất, người ta rước hồn bạch hoặc thần chủ (nay là ảnh chân dung người chết) lên chùa. Đến Chung thất là tuần sau cùng, con cháu tang gia cúng tại nhà có tế lễ, còn mang lên chùa thì có làm chay để tụng kinh sám hối, có khi kéo dài đến ba ngày đêm để vong hồn người khuất được siêu thăng tịnh độ.
Lại có nơi làm lễ “49 ngày” kéo dài tới bảy ngày đêm liền. Phật giáo quan niệm rằng, tuần Chung thất này rất quan trọng, là đưa hương hồn người chết lên chùa để nương cửa Phật.
Làm chay Chung thất
Thông thường trong các lễ cúng trong tang, tang gia hay sợ người khuất tội lỗi lúc sinh thời cho nên làm chay như một lễ trong thời kỳ tang, tụng kinh cầu siêu cho hết tội, sớm siêu thoát. Nhất là trong trường hợp bất đắc kỳ tử. Việc làm chay chung thất cũng như đàn chay cúng vào dịp tết Trung Nguyên là để cầu siêu độ cho tổ tiên.
Đàn chay gồm có
- Tam bảo đặt trên cùng, hoặc có khi là ba bình hương thay thế.
- Kế đến là tượng Tam Phủ, là tượng các vị coi về Trời, Đất và Nước. Thường gọi là Thiên Phủ, Địa Phủ và Thủy Phủ, hoặc là ba bình hương thay thế.
- ở giữa là tượng Đức Thích Ca và hai bên tả hữu có tượng Thiên Quan và Thành Hoàng. Hoặc là ba bình hương thay thế.
- Hai bên có Thập Điện Diêm Vương,
- Ở giữa về phía dưới là Địa Ngục,
- Dưới cùng là bàn thờ Chúng sinh,
- Trước bàn thờ là đàn Mộng Sơn dựng cao lên để chủ lễ làm dấu hiệu siêu sinh cho hương hồn người chết.
Những điểm chính của cuộc lễ làm chay
Lễ làm chay có nghi thức rất phúc tạp.
- Lễ Phật để cầu sự từ bi hỉ xả.
- Lễ Tam Phủ để xin xóa bỏ tội lỗi.
- Lễ cầu vong tức là lễ yêu cầu vong hồn người chết nhập vào một người đồng để cho biết ý muốn của vong và cho hiểu đời sống của vong bên kia thế giới ra sao.
- Lễ phá ngục để mở cửa ngục tha các tội nhân.
- Lễ giải oan cắt đoạn để sửa chữa tội lỗi cũ và dứt bỏ dây oan nghiệt.
- Lễ phóng đăng phóng sinh tức là thả đèn và thả chim lên trời hoặc cá xuống sông. Lễ này để chuộc tội cho vong.
- Lễ cúng cháo để bố thí cháo và thức ăn cho chúng sinh.
Trong các lễ vừa kể có lễ phá ngục có ý nghĩa căn cứ theo nguyên thủy của kinh nhà Phật. Theo đó, Mục Liên là một hiếu tử gương mẫu, được Phật độ. Vào ngày rằm tháng Bảy, được phép xuống địa ngục để cứu mẹ đang gánh chịu tội vì những hành động độc ác đã làm khi còn ở trần gian. Lễ phá ngục diễn lại sự tích này. Mục Liên đi tìm mẹ, nhờ có gậy phép phá hết mọi cửa ngục và cứu được mẹ.
Ý nghĩa của lễ chay trong thời kỳ tang
Về việc “làm chay”, người ta tin rằng những người chết phi mạng phần nhiều là vì tiền oan nghiệp chướng, cần phải làm chay để giải oan để tẩy oan, để cho vong hồn được siêu thoát. Nhà có người chết phi mạng không làm chay được vì không đành tâm.
Làm chay tại chùa, có khi bày đàn làm chay ở nhà nơi trung thiên. Làm chay đủ lễ thường phải bảy đêm ngày mới xong. Đàn tràng bày trên hết thờ Phật, dưới Thập Điện Diêm Vương, rồi đến các thần linh…. Lễ cúng trên chay dưới mặn.
Những đám chay to phải thỉnh vài chục người vừa nhà sư vừa thầy phù thủy và người đạo trưởng.
Có khi làm chay cho người chết đuối, đàn tràng được thiết lập ngay ở bờ sông, bờ hồ.
Nhiều nhà làm ăn không mát bị oan hồn quấy nhiễu bắt trẻ sơ sinh, làm đau yếu đến chết cả người lớn. Oan hồn của kẻ chết phi mạng từ lâu ở nơi đất ở nơi đầm ao cạnh nhà, cứ lẩn quẩn ám ảnh vì không rũ được nghiệp báo. Nhà chủ là nạn nhân phải làm chay để giải thoát cho oan hồn kia.
Có những người mộ đạo tin tưởng thuyết “luân hồi” lo làm chay cho cha mẹ dù chết vì bệnh tật không phải bất đắc kỳ tử, vì lòng hiếu, cầu mong cho kiếp sau được nhẹ nhàng.
Lễ mát nhà trong thời kỳ tang
Đây là một lễ cúng trong thời kỳ tang, có ảnh hưởng sâu trong đời sống của người dân từ xưa mà không mấy ai dám bỏ qua. Vì lòng hiếu và cũng có cả sự mê tín.
Tục lệ xưa còn tin rằng, có người chết phải “giờ xấu chạm tuổi” thì có trùng (trùng niên, trùng nguyệt, trùng nhật và nhiều thứ trùng khác). Người chết sẽ bị trùng tra khảo, dẫn về nhà bắt người thân thích, cần làm chay cúng lễ trừ trùng.
Người nghèo túng đến mấy, không làm lễ được ở nhà thì cũng phải tìm đến tĩnh hay điện lễ xin thầy cúng cho bùa đem về dán ở trong nhà.
“Lễ mát nhà” có mời thầy cúng hay thầy phù thủy (ngày xưa, thầy phù thủy cũng là thầy cúng, nhưng cao cường hơn thầy cúng, thường có nghề pháp thuật) tới bài đàn mũ mã cúng tống hung thần, ném gạo muối tiễn và thỉnh bùa trấn trạch, yếm mả.
Bùa trấn trạch dán trên cổng nhà, cửa buồng để ngăn cấm tà ma. Bùa yểm mả để trừ trùng, cuốn gọn bỏ vào ống tre vát nhọn, một đầu cắm ngập xuống phía trước mộ chí.
Việc cúng cơm
Trong lễ cúng trong thời kỳ tang, việc “cúng cơm” hàng ngày là một việc có ý nghĩa về lòng hiếu thảo trong thời gian cư tang. Từ xưa, sau khi chôn cất, suốt trong một trăm ngày, nhà nghèo khó sớm hôm đầu tắt mặt tối, cũng rang cúng cơm mỗi ngày hai bữa. Bữa ăn thường thế nào thì cúng như thế ấy. Đến nỗi có nhà chỉ có chén cơm đĩa muối cũng cúng, trong tình cảnh rất đáng xót thương, đau lòng.
Nhiều nhà đến bữa cúng cơm lại khóc lóc, ai nghe cũng phải chạnh lòng. Cái khóc này cũng có nhiều ý nghĩa: Thương cha nhớ mẹ mà cũng chạnh lòng vì mình nghèo túng đến nỗi không có được một bữa cơm cúng tươm tất đầy đủ.
Một trăm ngày sau khi chết là tuần Tốt khốc. “Tốt” có nghĩa là cuối cùng, “khốc” là khóc. “Tốt khốc” là thôi, không khóc nữa và cũng thôi không cúng cơm nữa.
Việc cúng cơm mỗi ngày suốt thời kỳ để tang, hoặc là một năm, hoặc là ba năm tùy theo hoàn cảnh và quan niệm gia đình. Cúng cơm mỗi ngày trong thời kỳ để tang và kể cả việc mời cơm với chén đũa để dành riêng trong mỗi bữa ăn của gia đình, có tính cách nhắc nhở bổn phận con cháu trong tình thương kính với người mãn phần. Đây là một tục lệ đặc biệt của người Việt có đời sống tình cảm sâu sắc.
Làm ma khô
Trường hợp cha mẹ chết, con cháu không đủ khả năng lo việc hiếu theo đúng lệ làng, đành mai táng qua quýt. Họ cố gắng dành dụm để khi hết tang, hay khi cải táng, xin với làng làm ma khô. Tổ chức mời ăn uống, tiếp đón phúng viếng như khi mới có tang. Có trường hợp vì lệ hiếu quá nặng, con cháu phải bỏ làng đi sinh sống xa quê, dành dụm đủ tiền mới quay về xin được làm ma khô.
Làm ma sống
Làm ma sống là lễ tang trước khi chết. Trường hợp một số người giàu có, sợ khi mình chết mà con cháu vì nguyên nhân nào đó không lo nổi ma chay. Lại có trường hợp con cháu, nhân khi bố mẹ còn sống và được cha mẹ đồng ý, muốn lo trả nợ miệng làng xóm, nên đã tổ chức việc ma chay theo đúng lệ làng. Tất nhiên là khi cha mẹ còn sống.
Siêu sinh tịnh độ
Siêu sinh tịnh độ là lời cầu nguyện cho linh hồn người chết thoát khỏi vòng luân hồi, khỏi cõi sinh tử, mãi hưởng phúc ở đất thanh tịnh nơi cực lạc của Phật A Di Đà. Khi khấn người chết thường nhắc đến nhóm từ này.