Một số biện pháp nhằm bài trừ hủ tục trong tang ma của dân tộc H’Mông và dân tộc Thái tỉnh Điện Biên
Điện Biên là một tỉnh miền núi đa dân tộc với 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc mang những bản sắc văn hóa riêng, phong tục, tập quán riêng nên cách thức tổ chức tang lễ cũng khác nhau. Bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp vẫn tồn tại một số hủ tục, tập tục lạc hậu trong việc tang ma, đặc biệt là của dân tộc H’Mông và dân tộc Thái.
Hủ tục trong tang ma của dân tộc H’Mông:
H’Mông là một trong ba dân tộc có tỷ lệ dân số tương đối cao tại Điện Biên, chiếm 34,81% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Theo tục lệ của người H’Mông, cụ thể là đồng bào dân tộc H’Mông tại Bản Nậm Pan 1 (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé); bản Hừa Ngài (xã Hừa Ngài), bản Huổi Bon (xã Pa Ham,huyện Mường Chà) và một số bản huyện Điện Biên Đông khi gia đình có đám tang phải tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày, quy định số trâu, bò, lợn, gà phải mổ trong đám tang rất rườm rà, tốn kém. Nếu gia đình nào có điều kiện thì phải mổ 2 con trâu, gia đình nào không có điều kiện thì phải mổ 1 con lợn để cúng người đã khuất và mời dân bản đến ăn. Họ thường giữ thi thể người chết trong nhà lâu ngày (quá 48 giờ), dựng xác chết ở góc nhà từ 3 đến 4 ngày, thậm chí là 5 ngày, 7 ngày; nhờ thầy cúng, thầy mo xem giờ phù hợp, giờ đẹp mới cho vào quan tài. Nhiều thi thể khi mang đi chôn đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy.
Bên cạnh đó việc cạy miệng xác chết để cho thức ăn vào khi đến giờ ăn cũng là một hủ tục đã tồn tại nhiều đời nay trong đồng bào dân tộc H’Mông. Theo họ con cháu thay nhau bón cơm cho ông bà, cha mẹ là để tỏ lòng tôn kính, trả công ơn, tình nghĩa cho người quá cố.
Hậu quả của việc tang ma dài ngày và hủ tục bón cơm cho người chết để lại rất nghiêm trọng. Vì hầu hết người chết là người đã mắc bệnh, trong đó vi khuẩn có thể lây truyền qua không khí gây mất vệ sinh môi trường và có thể bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người còn sống.
Hủ tục trong tang ma của dân tộc Thái:
Dân tộc Thái là dân tộc có số dân đông, chiếm 37,99% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo. Mặc dù việc tang ma của đồng bào dân tộc Thái có nhiều nét tiến bộ hơn đồng bào dân tộc Mông như: Không để người chết trong nhà quá lâu (5 ngày, 7 ngày) hay bón cơm cho xác chết, không quy định số trâu, bò, lợn, gà phải mổ trong đám tang nhưng việc cúng bái chữa bệnh đang là một vấn đề khá phổ biến. Khi gia đình có người ốm, mắc bệnh họ không đưa vào các trung tâm y tế mà mang người bệnh đến nhà thầy mo nhờ thầy mo cúng để đuổi con ma bệnh đi vì họ quan niệm ốm đau là do ma làm. Điều này dẫn đến việc bệnh ngày càng nặng và nhiều trường hợp không thể cứu chữa.
Đồng bào dân tộc Thái ở bản Na Son, huyện Điện Biên Đông và một số bản ở huyện Mường Chà khi gia đình có người chết họ nhờ thầy cúng thầy mo xem ngày đẹp mới mang đi chôn, có thể chôn ngay ngày hôm đó nếu xem được giờ đẹp nhưng cũng có thể đến 3, 4 ngày sau mới được giờ đẹp. Khi đi chôn họ không tuân theo quy định hàng lối tại nghĩa trang mà thực hiện nghi lễ tung quả trứng, quả trứng rơi ở đâu thì chôn ở đó.
Khi tổ chức giỗ 3 ngày, 7 ngày… cho người đã khuất, gia đình mời thầy cúng, thầy mo về làm lễ, tổ chức mổ lợn, gà mời dân bản đến ăn uống gây tốn kém cho gia chủ.
Những hủ tục trên của đồng bào dân tộc H’Mông và dân tộc Thái trong việc tang ma vẫn tồn tại ở một số bản vùng sâu vùng xa. Điều này gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe, lao động sản xuất của bà con. Mặc dù điều đó vẫn ẩn chứa những giá trị truyền thống nhất định được chắt lọc từ nhận thức, niềm tin tâm linh để thể hiện lòng kính trọng đối với người quá cố nhưng với cuộc sống ngày càng tiến bộ, văn minh thì nó không còn phù hợp và cần phải xóa bỏ.
Từ thực trạng nói trên các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong tỉnh đã chủ động và coi công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế - xã hội đồng thời nhằm chống lại các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng phong tục, tín ngưỡng của đồng bào.
Nguồn gốc của các hủ tục:
Các hủ tục lạc hậu là điển hình của thói quen sinh hoạt lâu đời dần trở thành luật tục mà không ai dám làm trái đồng thời các thói quen này được duy trì qua nhiều thế hệ, ăn sâu vào tiềm thức của bà con dân tộc nên rất khó thay đổi. Những người H’Mông còn quan niệm rằng nếu làm trái quy định của tổ tiên là phạm vào lời nguyền, có thể dẫn đến trùng tang, hay những người thân trong gia đình người quá cố có thể lụi bại, đau ốm, chết sớm.
Đôi khi những già làng, trưởng bản cũng không rõ các hủ tục lạc hậu đó có từ khi nào mà chỉ biết đã có từ rất lâu đời và được duy trì thực hiện trong các đám tang cho đến tận ngày nay.
Một số giải pháp:
Tăng cường vai trò lãnh đạo các cấp Ủy đảng, Chính quyền, Đoàn thể trong việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ chính trị khóa VIII về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Triển khai lồng ghép việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng vào các đối tượng có uy tín trong cộng đồng như: Già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; những người có nhận thức tương đối đầy đủ về những tập quán lạc hậu để họ tuyên truyền con cháu thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang; các cán bộ trong thôn, bản tích cực đưa thông tin về cơ sở nhằm góp phần tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu tới người dân. Đồng thời gắn việc bài trừ hủ tục lạc hậu với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phương châm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, khơi dậy và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, xây dựng đời sống tiến bộ, lành mạnh theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; phân tích rõ tác hại của các hủ tục, luật tục. Vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại, gây lãng phí, tốn kém.
Bên cạnh việc loại trừ các hủ tục, tập tục lạc hậu cần gắn liền với xây dựng môi trường văn hóa tiến bộ, lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, bổ ích và thiết thực giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật, xóa đói giảm nghèo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hướng dẫn Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các huyện, thị xã, thành phố xây dựng quy ước, hương ước cho bản, vận động bà con thực hiện tốt nội dung quy ước đã đề ra.Việc xây dựng quy ước được thực hiện trên cơ sở thảo luận có sự tham gia của bà con trong bản, do người dân trong bản tự thống nhất. Trong quy ước đưa ra hình thức xử phạt, khen thưởng cụ thể. Vận động các dòng họ lớn trong bản xây dựng quy ước dòng họ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
Hướng dẫn xây dựng 01 đám tang theo nếp sống sống văn minh (trên cơ sở tôn trọng tín ngưỡng của đồng bào) để làm gương điển hình nhân rộng trong cộng đồng các dân tộc.
Coi trọng việc biên soạn tài liệu, các chương trình văn hoá tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phù hợp với từng đối tượng, từng dân tộc bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Nhằm đáp ứng các yêu cầu về cập nhật thông tin giúp nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp.
Khuyến khích các địa phương xây dựng phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức ma chay và biểu dương kịp thời những địa phương, dòng họ, gia đình thực hiện tốt việc giảm bớt các hủ tục lạc hậu, tích cực đổi mới theo quy ước, hương ước về việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn vùng cao. Đặc biệt, chú trọng công tác quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa để quy tập những người đã khuất vào một nơi cụ thể, cách xa nơi ở và nguồn nước sinh hoạt.