Một số lưu ý khi lập bàn thờ của người quá cố trong đám ma

Một số lưu ý khi lập bàn thờ của người quá cố trong đám ma

09/01/2023
Tin tức

     Cuộc sống của mỗi con người trên trái đất này đều không tránh khỏi qui luật sinh, lão, bệnh, tử của tạo hóa. Đến khi mất đi thì gia quyến sẽ tổ chức tang lễ, lập bàn thờ đám ma cho người đã khuất. Việc trang trí bàn thờ đám ma rất quan trọng, đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Vậy bàn thờ đám ma lập như thế nào và có những kiêng kị gì? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay nhé.

 

Trên bàn thờ đám ma cần bày trí những gì?


      Trên bàn thờ đám ma cần có trước tiên là ảnh của người quá cố. Ảnh này thường được chọn có khí sắc vui vẻ và là chân dung của người đã khuất. Tiếp đến là bài vị. Bài vị tạm thời làm bằng giấy, do thầy cúng hoặc người nắm chắc nội dung của bài vị làm cũng có thể chấp nhận được.

 

      Ở Việt Nam thường quen viết bài vị bằng chữ nho. Nội dung của bài vị phải ghi đầy đủ các thông tin của người mất như họ tên, bí danh, chức danh, là con thứ mấy trong nhà, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, tước, phẩm hàm, chức vị của người đã khuất.

 

     Bên cạnh đó, trên bàn còn cần có bát nhang, lọ hoa, đĩa xôi và, mâm hoa quả, huân huy chương của người mất (nếu có), đĩa đề đồ phúng viếng.

 

 

Cách bố trí đồ vật trên bàn thờ đám ma


     Bàn thờ đám ma phải được kê ở vị trí trước quan tài để thi hài người đã mất. Bàn thờ phải được phủ vải cho nghiêm trang. Ở vị trí cao nhất trên bàn thờ là hình thờ. Tiếp theo là bài vị, cơm cúng, bát nhang.

 

     Bạn có thể để bát nhang ở tầng thấp nhất để tan nhang không rớt dính vào cơm cúng. Hai bên bàn đặt lọ hoa, chén nước. Mâm hoa quả và đĩa để đồ viếng cũng đặt tại các vị trí hay bên mép bàn.

 

     Các đồ vật trang trí bàn thờ đám ma cần phải được sắp xếp sao cho cân đối. Đặc biệt cần đặt sát vào bên trong một chút để tránh rơi rớt đồ trong lúc tổ chức tang lễ.

 

Cách cúng lễ trên bàn thờ đám ma


      Trong suốt quá trình diễn ra lễ tang, đại diện gia chủ (thường là trưởng nam) sẽ đứng cạnh bàn thờ để châm hương và cảm ơn khách đến viếng. Sau khi mọi người phúng viếng xong sẽ tiến hành nhập quan và phát tang, sau đó di quan.

 

      Sau khi an táng xong, người thân trở về trước bàn thờ vong theo hướng dẫn của thầy cúng. Tiếp đó, gia chủ mời người thân, gia quyến dùng bữa cơm để cảm ơn. Tính từ khi an táng xong, hàng ngày, trước khi ăn cơm, người nhà sẽ thắp hương và đặt lên bàn thờ 3 món để mời người mất.

 

     Theo phong tục xưa của người Việt, bàn thờ vong để trong nhà để cúng đến 49 ngày (cũng có nơi cúng đến 100 ngày) sau đó mới không thờ riêng nữa mà rước lư hương lên bàn thờ Gia Tiên để thờ cúng chung.

 

     Trong lễ cúng cơm hằng ngày, gia trưởng cùng vợ hoặc con cháu từ 12 tuổi trở lên phụ trách, người cúng sẽ thắp hương vái 3 vái và cắm hương vào lư hương. Trên bàn thờ cúng, người ta thường bày các đồ lễ như trầu cau, rượu, thuốc lá, vàng mã, đèn, đĩa muối gạo, 3 chung trà, 3 chung rượu, 3 chung nước để tượng trưng cho Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân).

 

      Thời xưa, khi cúng lễ phải có 9 ngọn đèn trong đó 2 ngọn đèn lớn đặt phía trước và 7 ngọn đèn nhỏ đặt ở hàng sau, ngoài ra còn có sớ để tâu trình mỗi lần cúng. Ngày nay, bàn thờ chỉ còn bày cặp đèn lớn đối xứng bằng nến hoặc bóng đèn điện cắm trên cặp chân đèn bằng gỗ hoặc bằng đồng. Khi cúng lễ người mất, tùy gia đình có thể cúng mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay, ngoài mâm cơm cúng còn cúng 1 đĩa hoa quả lớn thay thế cho mâm ngũ quả.

 

     Mỗi gia đình trong dòng họ đều có thể lập bàn thờ để thờ cúng riêng trong nhà mình không cứ là có gia đình hay chưa có gia đình. Trên bàn thờ Gia Tiên, ở chính giữa sẽ thờ “Cửu Huyền Thất Tổ”, theo hướng từ trong nhìn ra, bên trái thờ bên họ nội còn bên phải thờ bên họ ngoại.