Lễ tang cốt để tỏ lòng thương xót đối với người chết. Song lễ phải làm theo đúng những nghi thức quy định nghiêm ngặt, thành ra nhiều điều kiêng trong đám tang chỉ thấy phiền hà chứ không thấy bộc lộ tình cảm tự nhiên.
Một số tập quán kiêng trong đám tang trước đây cũng đã dần thay đổi theo hoàn cảnh xã hội ngày nay. Những hủ tục như làm ma linh đình đến nỗi vay nợ đã bị xã hội bài bác. Mặt khác, nhiều nghi thức mới về lễ tang được các nhà tang lễ ở các thành phố, thị xã đưa vào áp dụng.
Kiêng kị trong tang ma
Việc tang ma có rất nhiều điều kiêng kị. Sau đây là những tập quán kiêng trong đám tang thường gặp
Kiêng kị trong các trường hợp việc thực hiện việc tang
Trường hợp con chết trước cha mẹ, có tục kiêng không để cha mẹ đưa tang con. Con chết non gây nhiều nỗi đau thương cho cha mẹ, là nghịch cảnh. Giờ hạ huyệt, nhiều ông bố bà mẹ vì quá thương con đã ngất đi, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, ông bà lớn tuổi, sức đã yếu cũng không nên đi đưa tang. Tục này nhằm làm vơi nỗi đau buồn và để tránh nạn trùng tang.
Đối với những người thắt cổ tự tử mà khi phát hiện ra, người đó đã chết. Thì người ta không tháo nút dây thừng, mà phải dùng con dao chém đứt sợi dây oan nghiệt đó khi người xấu số còn ở tình trạng treo lơ lửng. Người ta cho rằng, nếu tháo sợi dây đó thì thần thắt cổ vẫn còn tồn tại trong sợi dây và sẽ theo đuổi mãi gia đình này để mỗi đời sẽ bắt đi một người cũng bằng cách tự thắt cổ chết. Còn nếu chém đứt thừng thì đã loại trừ được thần thắt cổ ra khỏi nhà.
Kị người làng đã chết ở nơi khác mà đem thi hài vào trong làng. Trong trường hợp này, tang chủ phải dựng lán ở ngoài đồng, quàn thi hài thân nhân và tổ chức lễ tang ở đây. Người xưa quan niệm rằng, người chết thuộc về cõi âm, không thể mang âm khí vào làng được. Nếu không, thì năm đó súc vật trong làng sẽ bị dịch bệnh hoặc làng sẽ bất an.
Đối với những người bị nạn sông nước, khi đang được cứu chữa, người ta kiêng cho cha mẹ hay con cái của nạn nhân vào. Vì cho rằng nếu trong lúc đó mà có mặt thân nhân thì nạn nhân không thể cứu chữa được.
Kiêng kị trong khi tiến hành tang ma
Trước hết, người ta phải chọn giờ, tránh tuổi, kiêng tuổi khi làm lễ nhập quan. An táng thường chọn ngày Thiên Hỉ, Thiên Đức. Kị ngày Tử Khí, Quan Phù.
Khi thi hài người chết còn chưa nhập quan, người ta kiêng không cho chó, mèo, chuột đến gần. Vì cho rằng, nếu những con vật này nhìn vào mắt người chết, thì người này sẽ biến thành quỷ nhập tràng, đội lốt người đi hại những người đang sống.
Trong khi thân nhân thương xót khóc lóc người quá cố. Người xưa rất kiêng nước mắt của người thân nhỏ xuống thi hài người chết. Người ta cũng rất kị người chết mang những đồ vật của người sống, như quần áo, đồ trang sức. Vì cho rằng, những đồ vật đó đã mang hơi của người sống, nếu người chết mang theo, tức là đã chọn một phần của người sống. Từ đó, cuộc sống của người sống không trọn vẹn, biểu hiện qua sự ngớ ngẩn, hay quên trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Đối với những gia đình có người già chết, thì từ chập tối, người nhà đã phải đóng cổng và kiêng không lên tiếng khi chưa nhận ra tiếng người gọi ngoài cổng là ai. Người xưa cho rằng, các cụ già mới chết, còn nhớ con nhớ cháu, nên tối tối trở về gọi con cháu đi theo.
Khi trong nhà có đại tang, con cháu kiêng ăn mặc đẹp, kiêng đi giày dép và đánh răng, rửa mặt, tắm giặt và trang điểm. Con cháu đến tuổi dựng vợ gả chồng, phải kiêng đủ ba năm mới được tổ chức cuộc vui.
Sau khi mới chôn ba ngày, người ta đắp mộ kỹ lưỡng trong khi làm lễ mở cửa mả. Từ đấy trở đi, kiêng không đắp mộ trong vòng tang. Con cháu đến viếng mộ thắp hương chỉ lấy đất đắp vào những chỗ sụt lở, kiêng trèo lên mộ, kiêng động cuốc, xẻng vào mộ.
Kiêng kị trong việc ứng xử trong đám tang
Trong thời gian ba năm đại tang, mọi người trong nhà phải kiêng ra đình, xem hội, ăn khao, ăn cưới. Kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Người xưa cho rằng, khi có đại tang, mọi người trong nhà đều nhuốm sự lạnh lẽo. Và người ta không được mang cái lạnh lẽo ấy đến những cuộc vui, tới nhà khác hay ra đình. Nếu ai không giữ gìn sẽ bị coi là đem sự xúi quẩy cho người khác.
Ngoài ra, người sống kiêng mặc áo thừa, nằm giường thừa của người chết. Khi trong nước có quốc tang, người ta hoãn các hoạt động vui chơi, biểu diễn, hội hè, liên hoan, giải trí… Trong đời sống cần kiêng, tránh thái độ vô ý thức, thiếu nghiêm túc.
Khi đi dự đám tang, người ta kiêng ăn mặc lố lăng, hở hang, lòe loẹt, kiêng cười nói to, nô đùa ầm ĩ. Khi đi đường gặp đám tang, người ta thường xuống xe, ngả mũ, nhường đường cho đoàn, kiêng bóp còi ô tô, xe máy.
Trong khi một gia đình đang có đại tang, thì những người trong họ và hàng xóm láng giềng cũng kị làm đám cưới, đám khao. Vì ai cũng hiểu rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” nên không nỡ tổ chức cuộc vui.
Ngày xưa, xã hội rất kị hiện tượng sĩ tử có đại tang mà lại đăng trường. Triều đình cũng cấm ngặt sĩ tử có đại tang (tang cha, tang mẹ) vào trường thi. Nhiều người dùi mài kinh sử chờ đến khoa thi nhưng buộc phải bỏ lỡ cơ hội khi vấp phải tục này. Nếu ai man trá sẽ bị đánh hỏng.
Đám tang trong dịp Tết
Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, nên mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Các gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hòa với niềm vui chung đó.
Vì vậy, có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con hàng xóm. Ngược lại, bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình đó.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp. Nếu có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó. Vì để sang năm mới, sẽ có nhiều điều bất tiện. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội, nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sang mùng Hai làm lễ phát tang.