Rải vàng mã trên đường đưa tang: Hủ tục cần từ bỏ

Rải vàng mã trên đường đưa tang: Hủ tục cần từ bỏ

11/08/2018
Tin tức

Rải vàng mã trên đường đưa tang: Hủ tục cần từ bỏ

Không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không phải là tập tục truyền thống của người Việt, nhưng việc rải vàng mã trên đường đưa tang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người cho đó là chuyện tâm linh, còn hệ lụy của nó là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...


Phiền toái vì nạn rải tiền giả, tiền thật


Lâu nay, việc rải vàng mã trên đường đưa tang đã trở nên phổ biến và dường như mọi người đều chấp nhận thực trạng đó. Tuy nhiên, dù vô tình hay hữu ý việc làm này đang gây phiền toái đến nhiều người. Chị Lê Thị Liên, phường Vĩnh Hải cho biết: “Nhà tôi ở mặt tiền đường 2-4 nên thường xuyên phải lãnh hậu quả từ việc rải vàng mã của các đám tang đi qua. Ngày ít thì vài ba đám, ngày nhiều có khi chục đám. Có đám rải vàng mã dọc đường vừa phải, nhưng có đám rải rất nhiều. Cứ mỗi lần đám tang đi qua, tôi lại phải quét dọn những tờ giấy vàng mã bị gió cuốn bay vào nhà. Nếu không kịp dọn, vàng mã sẽ bị dồn đống trông rất nhếch nhác”. Cùng chung nỗi khổ, chị Bích, công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ: “Tôi được phân công thu dọn vệ sinh ở đường Trần Phú, con đường đẹp nhất Nha Trang. Không ít lần, vào buổi sáng sớm đường phố đang sạch đẹp, một đám tang đi qua thế là vàng mã, thậm chí cả hoa và gạo, muối vung vãi đầy đường. Chúng tôi lại phải thu gom để trả lại vẻ đẹp cho con đường, nhưng một lúc sau có đám tang khác đi qua, mọi thứ lại đâu vào đấy…”. Người viết bài này cũng đã từng chứng kiến cảnh không hay liên quan đến việc rải vàng mã của người dân. Lần đó, tại ngã ba đường Trần Phú  - Yersin, khi người đi đường đang dừng đèn đỏ và có ý nhường đường cho một đám tang đi qua, thì bỗng nhiên từ chiếc xe tang một thanh niên tay cầm mớ vàng mã thật to vung ra, khiến mọi người đang dừng xe phải xua tay gạt những tờ giấy đó. Nhìn những tờ vàng mã vương vãi trên đường ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Không chỉ rải tiền giả, nhiều đám tang còn rải cả tiền thật. Những loại tiền có mệnh giá nhỏ: 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng thường được tang chủ vô tư rải xuống ở các ngã ba, ngã tư hay khi đi qua cầu. Nhiều người đi đường thấy tiền rải xuống đã đuổi theo để nhặt, bất chấp tai nạn giao thông có thể xảy ra. “Có lần tôi lái xe đến cầu Hà Ra, bỗng từ trên thành cầu một chị mua đồng nát lao ra giữa đường để nhặt những tờ tiền do một đám tang vừa đi qua  rải xuống. May tôi xử lý kịp thời, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Giờ nghĩ lại vẫn thấy giật mình”, anh Toàn, tài xế xe tải 79D 81… kể.  

 

Việc rải vàng mã dọc đường diễn ra ở nhiều đám tang. (Ảnh minh họa).
Việc rải vàng mã dọc đường diễn ra ở nhiều đám tang. (Ảnh minh họa).


Ai hưởng lợi?


Việc rải vàng mã trên đường đưa tang là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian. Có người rải vàng mã chỉ vì sợ nếu không rải thì thiên hạ bàn tán, người quá cố buồn; có người lý giải làm vậy để người chết biết đường mà từ cõi âm về thăm nhà. Tuy nhiên, vẫn chưa một ai có thể chứng minh được việc rải vàng mã sẽ giúp đưa vàng mã đến với người đã khuất. Có chăng đây chỉ là một cách để những người sống muốn thể hiện mình, người này truyền miệng người kia, lâu dần thành thói quen. “Ông cụ nhà tôi khi qua đời có dặn con cháu đừng nên tổ chức tang ma tốn kém, tuy nhiên phận làm con chúng tôi không thể để cụ ra đi mà thiếu được thứ gì. Vì thế, thấy người ta bày biện lễ lạt thế nào thì chúng tôi làm theo, thấy người ta rải vàng mã trên đường đưa tang, chúng tôi cũng làm dù không biết rõ làm vậy để làm gì”, anh Thái (phường Vĩnh Phước) chia sẻ. Cùng tâm lý đó, rất nhiều gia đình khi có người thân qua đời đều vô tình tiếp tay cho nạn rải vàng mã với suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Những người bị làm phiền bởi việc làm này cũng chậc lưỡi cho qua.

 

Việc rải vàng mã ở các đám tang, người trực tiếp hưởng lợi là các cơ sở bán vàng mã.
Việc rải vàng mã ở các đám tang, người trực tiếp hưởng lợi là các cơ sở bán vàng mã.


Thế nhưng, nếu tỉnh táo sẽ nhận thấy trong việc rải vàng mã, người hưởng lợi chính là những cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã và những cơ sở mai táng. Số lượng vàng mã được rải nhiều bao nhiêu, thì số tiền thật chui vào túi những người sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhiều bấy nhiêu. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh nở rộ dịch vụ đám tang trọn gói do các cơ sở mai táng đảm nhận, trong đó không thể thiếu phần kinh phí mua vàng mã để rải dọc đường đưa tang. Theo lời một chủ cơ sở mai táng trên đường 2-4, mỗi đám như vậy tối thiểu phải mất 200.000 đồng tiền mua vàng mã để rải trên đường. Có những đám nhà xa nghĩa trang, hoặc những đám gia chủ “chịu chơi” số tiền đó có khi lên cả triệu đồng. Nếu đem số tiền đó nhân với số đám tang trong một năm thì quả là một sự lãng phí khủng khiếp.