TÌM HIỂU PHONG TỤC VÀ CÁC HÌNH THỨC MAI TÁNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Trên thế giới có rất nhiều hình thức mai táng như: địa táng (thổ táng), hỏa táng, thủy táng, không táng (thiên táng), huyền táng, điểu táng… nhưng ở Việt Nam phổ biến hiện nay là địa táng và hỏa táng, còn huyền táng, không táng, thủy táng chỉ có trong quá khứ hoặc rất hiếm ở các dân tộc ít người hoặc gặp trường hợp bắt buộc phải sử dụng.
Từ lúc sinh ra đến khi chết, đời người gắn liền với nhiều nghi lễ: thành sinh, thành niên, thành thân, thành nghiệp và cuối cùng là trở về với cát bụi! Trong các nghi lễ trên, nghi lễ phức tạp và thiêng liêng nhất là lễ tiễn đưa con người về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hãy cùng tìm hiểu phong tục tang lễ và các hình thức mai táng truyền thống của người Việt Nam trong bài viết dưới đây.
- Địa táng (Thổ táng)
“Địa táng hay còn gọi là thổ táng là một hình thức mai táng của loài người. Trong các hình thức mai táng: hoả táng, thuỷ táng, không táng, thổ táng… thì địa táng là hình thức phổ biến rộng rãi hơn cả.
Địa táng gồm có 2 loại:
– Một loại chôn cất xuống đất vĩnh viễn, trừ phi “mả động”, nghĩa là khi trong gia đình xảy ra sự cố gì bất trắc (có người ốm nặng, mất mùa, cửa nhà sa sút, chết bất đắc kì tử…), người ta mới phải cải táng.
– Một loại chôn xuống đất một thời gian nhất định (tuỳ theo tập tục quy định), sau đó bắt buộc phải cải táng (tức là lấy xương cốt còn lại đem chôn lầ nữa ở chỗ khác hay địa điểm cũ) lần này mới chôn vĩnh viễn”
Hình thức này có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Gồm có nhiều kiểu quan tài, phổ biến nhất là quan tài hình vò (hay chum) và hình thuyền có trong nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Đông Sơn và trãi khắp vùng Đông Nam Á.
– Quan tài hình vò (còn gọi mộ vò, mộ chum): người xưa dùng vò để mai táng người đã khuất. Ở Sa Huỳnh, lần đầu tiên người ta lại sử dụng thuật ngữ mộ chum. Ở Làng Cả, người Đông Sơn lại dùng nồi gốm, vv. Vò hay chum được để hở hoặc đậy bằng những vung đặc biệt hoặc các hiện vật gốm nhưng cùng loại hình. Có trường hợp trong một chum, vò to còn có nhiều vò chum nhỏ đặt bên trong. Một số nhà nghiên cứu đề nghị nên sử dụng thuật ngữ mộ có quan tài gốm. Khi dụng cụ không vừa chiều dài của thi thể, người xưa có thể ghép 2 cái, hoặc đục đáy cái thứ ba để lồng vào giữa. Những quan tài được ghép bằng hai ba hiện vật thường được đặt nằm ngang. Loại hình này có phạm vi phân bố rất rộng vào thời đại sắt sớm ở khắp vùng lục địa và hải đảo Đông Nam Á. Trong thời đại đá mới, chúng tồn tại phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới nhất là đối với những cư dân chuyên làm nông nghiệp.
Chum táng đặc trưng Sa Huỳnh bằng đất nung. Hình cho thấy chum đang phát hiện, còn chôn trong đất, phần miệng bị bể, bên trong có vật táng.
– Quan tài hình thuyền: “người xưa dùng quan tài hình thuyền để mai táng. Còn gọi là quan tài thân cây khoét rỗng. Quan tài là một đoạn thân cây khoét rỗng lòng, chừa hai đầu hay ghép thêm hai miếng ván. Nắp quan tài có mộng hay chốt để khớp với quan tài. Trong đồ tuỳ táng thường có mái chèo. Phổ biến trong khu vực văn hoá Đông Sơn ở các vùng trũng. Ở Việt Nam hiện nay đã có gần 30 di tích cóquan tai hình thuyền thuộc văn hoá Đông Sơn được nghiên cứu. Nổi tiếng như khu mộ Việt Khê (Hải Phòng), Châu Can (Hà Tây). Tàn dư của loại quan tài này vẫn còn tồn tại nhiều nơi ở Việt Nam. Quan tài hình thuyền cũng được phát hiện ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), Thái Lan, Philippin .
- Hỏa táng
Còn gọi hoả thiêu. Đây là phương pháp xử lí thi hài bằng cách đốt cháy thành tro (dùng gỗ, dầu mazut, dầu hoả, khí đốt; dùng điện là tốt nhất); tro của hài cốt tuỳ theo phong tục của cộng đồng mà cho vào bình kín để thờ cúng trong gia đình hoặc nơi thờ tự của tôn giáo như chùa, vv. hoặc để ở một nơi công cộng hoặc theo nguyện vọng của người quá cố (ví dụ như rải ngoài thiên nhiên).
Thuận tiện: sạch, gọn, không gây ô nhiễm môi trường, không phải cải táng, không tốn đất mở rộng nghĩa địa; tiện đối với trường hợp người chết ở nước ngoài không thể đem thi hài về nước.
Bất tiện: phi tang nếu là một vụ chết người có nghi ngờ về mặt pháp lí, không điều tra được nguyên nhân gây tử vong. Trước khi cho phép hỏa táng phải có giấy chứng nhận của thầy thuốc điều trị, của cơ sở y tế là chết tự nhiên; nếu có nghi vấn phải làm giám định y pháp trước khi hỏa táng.
Ở Việt Nam, trước đây tục hỏa táng không phổ biến lắm, chủ yếu ở người Khơ Me theo đạo Phật. Mỗi phum, sóc người Khơ Me có nơi hỏa táng riêng, nhiên liệu chủ yếu là củi. Trước khi hỏa táng, người ta tiến hành những nghi thức có tính tôn giáo nhằm đưa hồn người chết về thế giới bên kia. Hiện nay một số nơi ở nước ta như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đã bắt đầu áp dụng hỏa táng.
Trong những tư liệu khảo cổ học cũng cho thấy tục hỏa táng đã có trong nền văn hóa Sa Huỳnh vì tìm thấy những mộ chum chứa tro cốt. Hiện vẫn chưa khẳng định được đây xuất phát từ tín ngưỡng bản địa hay du nhập từ bên ngoài.
- Huyền táng (táng treo)
Hay còn gọi là tục táng treo. Một kiểu chôn người chết không phổ biến rộng rãi như địa táng nhưng xuất hiện rất nhiều trong thời xưa. Theo cách này, người ta để thi thể người chết lộ thiên, hoặc để nằm trên một tấm phên, hoặc để nằm trong quan tài hình thuyền. Có nhiều cách để quan tài như:
– Đặt quan tài trên chạc ba một cái cây to hoặc treo lủng lẳng trên cành cây.
– Đặt quan tài dưới vòm mái đá hay trong hang đá ở lưng chừng núi, có khi đặt nằm sâu trong hang động. Những hang động thường nằm gần sông, có rào chắn cẩn thận, là hang thiên tạo hay do con người đào khoét. Hang được ngăn ra nhiều phòng, tạo chỗ để nhiều quan tài.
– Dùng những đoạn gỗ to ghim vào vách núi làm điểm tựa cho quan tài hoặc cắm một đầu quan tài vào những hốc đá trên lưng chừng núi,.
– Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều di chỉ về hình thức huyền táng này ở các dân tộc thiểu số miền núi và trung du như: quan tài treo ở động Ma, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Hang đá với nhiều mộ treo ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La. Những rừng ma của các dân tộc ở Tây Nguyên nổi tiếng các làng Biên Loong, Đak Xay, Dục Lang và Vai Trang của dân tộc Giẻ-triêng ở xã Đak Long, huyện Đak Glei tỉnh Kon Tum … Hiện nay, táng treo không còn nữa vì tục này gây ô nhiễm môi trường, bệnh dịch…
- Thủy táng
Là hình thức thả trực tiếp xác người chết xuống sông, biển, hồ… hiện nay hình thức này không còn vì gây ô nhiềm môi trường. Tuy nhiên trong những trường hợp bất đắc dĩ vẫn còn sử dụng. Nó liên quan nhiều đến điều kiện và môi trường sống cũng như ý nghĩa tâm linh của những cư dân sử dụng hình thức này. Thủy táng không chỉ có ở Việt Nam mà khá phổ biến ở những cư dân ven biển, trên các đảo nhỏ ở vùng Đông Nam Á (cả những vùng thuộc văn hóa Đông Nam Á cổ đại)
Hình thức này cũng xuất hiện trong tác phẩm văn học “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim “Lời nguyền của dòng sông” với hình ảnh thủy táng người vợ của lão chài họ Phạm. Hay bộ phim “Mùa len trâu” do Nguyễn Võ Nghiêm Minh làm đạo diễn với hình ảnh thủy táng người cha của Kìm giữa đồng nước mênh mông, đồng thời bộ phim này có hình ảnh cả tục táng treo trên cây, khi nước xuống mới đem chôn (mặc dù không đúng thật 100%). Điều này phần nào thể hiện cách thưc mai táng chịu ảnh hưởng rất nhiều của điều kiện tự nhiên.
- Thiền táng (tượng táng)
Thiền táng (táng trong tư thế ngồi thiền) hay Tượng táng (làm thành tượng để táng), là một loại hình rất hiếm hiện nay chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt chỉ thấy ở những nhà sư Phật Giáo. Các tượng nhà sư vẫn còn nguyên vẹn xương cốt, nội tạng… được đặt trong tư thế thiền định. Đây là một hình thức táng vẫn đang dược nghiên cứu vì sự đặc biệt của nó.
Ở Việt Nam có hai trường hợp thiền tảng nổi tiếng là của nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, tức Thành Đạo Tự, thuộc làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
“Theo truyền thuyết trong dân gian có nói rằng là hai thiền sư vào nhập thất có dặn là ta vào nhập thất 100 ngày, có gõ mõ niệm phật, hết 100 ngày thì toàn thân sẽ khô đi, thơm tho, nếu thực sự như thế thì để nguyên còn nếu có mùi như mọi người thì đem chôn… Đến nay di hài của hai nhà sư vẫn còn được lưu giữ theo thế ngồi thiền”