Để tang người đã mất là một trong những phong tục tập quán của Việt Nam ta từ bao đời nay. Để tang có ý nghĩa gì, kiêng kỵ gì trong thời gian để tang và những điều cần biết khác sẽ được giải đáp tại bài viết sau đây.
Ý nghĩa phong tục để tang
Phong tục để tang không chỉ là nghĩa vụ, bổn phận mà người còn sống dành cho người đã khuất mà còn có nhiều ý nghĩa khác.
Ý nghĩa đối với người thân trong gia đình
Để tang là hình thức thông báo cho mọi người biết gia đình có người qua đời cũng như cho mọi người biết người thân người đã mất là ai.
Đối với những gia đình có người chết là ông bà, cha mẹ – những người có công sinh dưỡng dục, để tang là thời gian để tưởng niệm đến họ cũng như thể hiện sự đau thương, tiếc nuối cho sự ra đi. Ngoài ra, việc để tang còn có ý nghĩa mong muốn người đã khuất thấy được tấm lòng của người còn sống mà phù hộ cho công việc làm ăn, cuộc sống được thuận lợi.
Ý nghĩa đối với người đã khuất
Để tang có ý nghĩa hay lợi ích gì đối với người đã khuất không? Như đã đề cập ở trên, để tang là nghi thức trong tang lễ ở nhân gian do vậy hầu như không có lợi ích gì đối với người đã khuất. Nhưng theo quan niệm của văn hóa dân gian, để tang chính là thời gian người đã khuất có thể nhận thêm phước đức từ người thân để được họa sanh vào cảnh giới tốt đẹp, đặc biệt là trong thời gian 49 ngày – chung thất của người chết.
Do vậy nếu muốn người đã khuất nhận được nhiều phước lành, người thân trong gia đình cần phải tích cực làm việc thiện, hồi hướng cầu nguyện, hạn chết việc sát sanh, giết hại động vật,…
Thời gian để tang như thế nào?
Để tang cho người thân trong bao nhiêu ngày là phù hợp? Tùy vào từng địa phương mà thời gian để tang sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung việc để tang ở nước ta gồm hai hình thức là đại tang và tiểu tang.
Đại tang là gì?
Đại tang có thời gian để tang khá lâu là 3 năm, nhưng thực tế hiện nay nhiều gia đình chỉ để tang 27 tháng. Hiện chưa có lời giải thích rõ về lí do thời gian để tang 27 tháng nhưng mọi người thường truyền tai nhau cho rằng 9 tháng mang thai tính là 1 năm. Do vậy 3 năm là 27 tháng.
Những người chịu đại tang thường là:
• Con cái để tang cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi.
• Dâu để tang cha mẹ chồng.
• Cháu đích tôn (thay cha khi cha mất) để tang ông bà.
• Chắt (thay cha và ông khi cha và ông mất) để tăng ông cố bà cố.
• Ngoài ra, vợ để tang chồng được xếp vào trường hợp đại tang do tư tưởng thời phong kiến “trọng nam khinh nữ”.
Tiểu tang là gì?
Tiểu tang thường có thời gian để tang ngắn hơn, chia làm 4 bậc với 4 thời gian khác nhau. Cụ thể như sau:
Cơ niên với thời gian để tang là 1 năm, chỉ xếp sau đại tang và gồm những đối tượng là:
• Cha mẹ để tang cho con trai, con dâu trưởng, và con gái (chưa đi lấy chồng).
• Chồng để tang cho vợ.
• Con rể để tang cho cha mẹ vợ.
• Anh em và chị em (chưa đi lấy chồng) kể cả anh chị em cùng cha khác mẹ để tang cho nhau.
• Em để tang cho chị dâu trưởng.
• Cháu trai và cháu gái (chưa đi lấy chồng) để tang cho ông bà nội.
• Cháu để tang cho chú bác ruột và cô ruột (chưa đi lấy chồng).
• Cháu dâu để tang cho ông bà nhà chồng.
Đại công: để tang 9 tháng. Những người chịu để tang theo hình thức đại công là:
• Cha mẹ để tang con gái (đã đi lấy chồng) và con dâu thứ.
• Chị em ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau.
• Anh em con chú con bác ruột để tang cho nhau.
• Chị em con chú con bác ruột (chưa đi lấy chồng) để tang cho nhau.
Tiểu công với thời gian để tang là 5 tháng, các đối tượng sau sẽ chịu tang tiểu công:
• Anh chị em cùng mẹ khác cha để tang cho nhau.
• Chị em con chú con bác ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau.
• Con để tang cho dì ghẻ.
• Cháu để tang cho ông chú, bà bác, và bà thím.
• Cháu để tang cho bà cô (chưa đi lấy chồng), chú họ, bác họ, thím họ, cô họ (chưa đi lấy chồng), ông bà ngoại, cậu, và dì ruột.
• Chắt để tang cho cụ ông cụ bà bên nội.
Ti ma là hình thức chịu tang ít nhất, chỉ để tang 3 tháng. Những người chịu tang 3 tháng gồm:
• Cha mẹ để tang cho con rể.
• Con cô con cậu, đôi con dì để tang cho nhau.
• Cháu để tang cho ông chú họ, ông bác họ, bà cô họ chưa lấy chồng, bà cô đã đi lấy chồng và cụ cô chưa đi lấy chồng.
• Chắt để tang cho cụ chú, cụ bác.
• Chút để tang cho kỵ ông, kỵ bà bên nội.
Kiêng kỵ gì trong thời gian để tang?
Gia đình người mất cần biết những điều kiêng kỵ trong thời gian để tang, không chỉ giúp tránh phạm phải điều cấm kị mà còn thể hiện sự tôn trọng người đã khuất. Chi tiết như sau:
Không nên mặc đồ lòe loẹt
Trong thời gian chịu tang, người thân trong gia đình cần chú ý vấn đề trang phục trong tang lễ. Vì tang lễ là sự kiện đau buồn, cần sự thiêng liêng, trang nghiêm, thể hiện lòng thành đối với người đã khuất cũng như sự tôn trọng gia đình. Do vậy, trang phục không được mặc lòe loẹt, trang điểm đậm.
Tránh đi thăm bạn bè, họ hàng
Trước khi hết hạn để tang, con cái trong gia đình hạn chế việc đi thăm bạn bè và họ hàng cũng như tránh tụ tập, không đến chúc Tết, đặc biệt là không đến những gia đình có người bị bệnh nặng. Vì người chịu tang thường được cho rằng sẽ đem điều xui xẻo, không may mắn đến với người khác. Tuy chưa có căn cứ nào thuyết phục nhưng người đang chịu tang người thân cũng nên chú ý hạn chế đến thăm và hạn chế đi dự tiệc, đám cưới, khai trương,…
Kiêng lấy vợ, lấy chồng khi để tang cha mẹ
Con cái là những người phải chịu đại tang cha mẹ, tức chịu tang trong thời gian 3 năm. Trong thời gian đó cần kiêng cử vấn đề đám cưới vì sẽ bị người đời cho rằng bất hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng buộc phải tổ chức đám cưới nên tổ chức nhỏ, không quá linh đình và nên đợi sau khi làm giỗ đầu cho người mất.